Nang chân răng là một dạng nang biểu mô xương hàm liên quan đến nhiễm trùng chân răng. Đây là một bệnh lý khó phát hiện do phát triển âm thầm và thường không có triệu chứng. Theo đó, nguy cơ các biến chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.

Nang chân răng là gì?

Nang chân răng là một dạng nang biểu mô xương hàm liên quan đến nhiễm trùng chân răng. Nang chân răng được phát triển từ một răng sâu, tủy răng bị hoại tử giải phóng độc tố tại chóp răng gây viêm quanh chóp. Quá trình viêm kích thích sự hoại tử, phá hủy tế bào biểu mô Malassez còn sót lại ở dây chằng quanh răng, dẫn đến hình thành nang, nang có thể bị viêm hoặc không. Các nang này có thể đè ép vào xương, độc tố được giải phóng từ những tổ chức hạt gây tiêu xương.

Nang chân răng là loại nang gặp nhiều nhất ở xương hàm, hàm trên thường gặp hơn hàm dưới, thường gặp nhất là nang ở vùng răng cửa hàm trên. Khi nang răng phát triển càng lớn, sự hủy xương càng nhiều tạo thành một hốc lớn bên trong xương hàm, chủ yếu chứa nước nhưng xương không còn. Từ đó, xương bị mỏng dần, dễ gãy.

Nang răng có dễ phát hiện?

Bệnh nang chân răng thường khó phát hiện do triệu chứng lâm sàng nghèo nàn. Lúc đầu, người bệnh không hề có cảm giác đau nhức hay khó chịu, dấu hiệu sớm duy nhất là răng đổi màu nhưng thường ít được quan tâm. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi nang to gây phồng xương hoặc nang nhiễm trùng gây các triệu chứng như đau vùng có u, chảy mủ, sưng mặt ở xương hàm, lung lay răng,...

Khi chụp x-quang răng, hình ảnh điển hình của nang chân răng trên phim là một vùng sáng hình tròn (vùng thấu quang) hoặc oval dính với một chân răng chết tủy, thường liên tiếp với lá cứng của khe quanh răng. Răng tương ứng với nang có hình ảnh lỗ sâu rộng, chóp chân răng nằm trong vùng thấu quang, dây chằng quanh răng giãn rộng. Răng bên cạnh thường nghiêng hoặc di lệch. Các nang rất lớn ở xương hàm trên có thể mở rộng nhiều hướng và trở nên không điển hình. Nang nhiễm khuẩn thì ranh giới nang trở nên không rõ ràng vì có sự giãn mạch do viêm và sự tiêu xương xung quanh.

Nang răng tiến triển lâu ngày gây phá hủy mô quanh chóp răng, tiêu xương, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tiêu chân răng nguyên nhân và chân răng lân cận. Thậm chí trong các trường hợp nặng có thể dẫn đến rụng răng hàm, biến dạng xương hàm gây lép mặt, cản trở các chức năng nhai, nói, nuốt,...

Điều trị nang chân răng

Phương pháp điều trị nang chân răng là phẫu thuật. Sau khi khám răng miệng, chụp x-quang răng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng răng nguyên nhân và các răng bị ảnh hưởng, kích thước của nang, mức độ khuyết hổng của xương hàm để tìm phương án xử lý phù hợp:

  • Nếu các răng đã lung lay nhiều và tiêu xương quá 1⁄3 chân răng thì răng sẽ được nhổ bỏ kết hợp lấy bỏ vỏ nang.
  • Nếu xương ổ răng còn đủ và phần chân răng dự kiến cắt không quá 1⁄3 chân răng thì có thể giữ lại răng đó. Bác sĩ sẽ điều trị tủy răng, hàn kỹ các ống tủy, cắt bỏ cuống răng, lấy bỏ hết vỏ nang răng.
  • Nang xương hàm trên: nếu nang lớn gây phá phá hủy xoang hàm, bác sĩ sẽ lấy bỏ nang, niêm mạc xoang, đồng thời mở dẫn lưu vào ngách mũi dưới cùng bên.
  • Nang to xương hàm dưới: xác định mức độ vững chắc của bờ xương hàm dựa vào hình ảnh chụp x-quang răng và quan sát lúc phẫu thuật, bác sĩ sẽ quyết định chỉ lấy bỏ nang đơn thuần hoặc cần dùng nẹp tăng cường để đề phòng gãy xương hàm.
  • Xử lý khuyết hổng xương sau khi lấy bỏ nang: nếu lỗ khuyết hổng nhỏ thì không cần can thiệp, chỗ khuyết hổng sẽ được cơ thể tự bù đắp bằng tổ chức xơ hoặc biểu mô hóa. Nếu chỗ khuyết hổng lớn, bác sĩ có thể trám bít bằng các vật liệu tự thân như vạt cơ, xương,.. hoặc các vật liệu nhân tạo như cacbon, xi măng,...

Như vậy, nếu nang chân răng được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều và không gây biến chứng, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, khi nang răng đã ở giai đoạn nặng, người bệnh có nguy cơ gặp những biến chứng hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, việc điều trị cũng khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên việc phát hiện sớm nang chân răng không đơn giản, vì bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Phương pháp phát hiện bệnh trong giai đoạn này là khám răng miệng và chỉ định chụp x-quang răng toàn cảnh. Hình ảnh phim x-quang răng sẽ giúp phát hiện các bệnh lý nang chân răng, u xương hàm,...

Viết bình luận của bạn: